Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em
Biểu hiện bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh bao gồm: Khó thở, thở nhanh, thở co lõm, bú ít và ngừng nghỉ liên tục khi bú mẹ.
Trẻ được vài tháng tuổi trở lên sẽ có biểu hiện rõ nét hơn: Thường xuyên ho, thở khò khè và hay bị viêm phổi.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, trẻ có thể có một số biểu hiện đi kèm như thể chất chậm phát triển, da xanh xao, môi và đầu ngón chân, ngón tay chuyển màu tím khi trẻ khóc.
Dị tật tim bẩm sinh có thể đi kèm với các bệnh liên quan đến việc đột biến nhiễm sắc thể như Down, sứt môi, thiếu hoặc thừa ngón chân,… Những trường hợp này cần được theo dõi đặc biệt để sớm phát hiện và điều trị những dị tật về tim bẩm sinh nếu có.
Cũng có một số trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng không có biểu hiện rõ rệt và chỉ tình cờ được phát hiện khi trẻ được đưa đi kiểm tra sức khỏe hoặc đi khám bệnh khác.
Khi có những biểu hiện trên, ba mẹ nên cho trẻ đi tầm soát tim bẩm sinh để có thể phát hiện sớm và điều trị tùy theo tình trạng của trẻ. Đây là một điều hết sức quan trọng đối với sự phát triển sau này của trẻ nên ba mẹ tuyệt đối không nên chủ quan. Hiện nay khi khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, các phương pháp tầm soát bệnh cũng ngày càng hiện đại và chính xác hơn, những cặp vợ chồng hiện đại thường để con mình làm tầm soát bệnh tật từ khi mới sinh ra, điều này có thể giúp phát hiện sớm những căn bệnh đầu đời của trẻ nếu trẻ chẳng may gặp phải, nhất là đối với tim bẩm sinh. Nếu được phát hiện sớm, tỉ lệ chữa khỏi sẽ là rất cao.
Ba phương pháp điều trị bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em
Trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách vẫn có thể phát triển bình thường. Bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị tùy thuộc vào tình trạng bệnh của trẻ. Thông thường có 3 phương pháp điều trị:
1. Sử dụng thuốc đặc trị
Đối với tim bẩm sinh thể nhẹ, sức khỏe và sự phát triển của trẻ không bị ảnh hưởng nhiều và chưa cần thiết phải phẫu thuật, Bác sí sẽ kê một số loại thuốc điều hòa và ổn định nhịp tim. Đây là phương pháp chữa bệnh nhẹ nhàng và ít tác động đến trẻ nhất.
2. Can thiệp tim mạch (thông tim)
Các Bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ và dài qua các mạch máu ở ngoài dẫn vào trong tim giúp việc lưu thông máu dễ dàng hơn, đồng thời có thể đưa vào đó các thiết bị theo dõi, hỗ trợ đóng các lỗ thông trong tim trong trường hợp cần thiết.
Phương pháp này có nhiều ưu điểm vượt trội như không phải mở xương ức, giảm nguy cơ gây nhiễm khuẩn, thời gian hồi phục nhanh… tuy nhiên chi phí cao và chỉ áp dụng điều trị được cho một số dị tật như không liên thất, hẹp van động mạch chủ, hẹp van động mạch phổi,…
3. Phẫu thuật tim
Trường hợp không thể thông tim can thiệp thì các Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để đóng các lỗ thông, mở rộng chỗ hẹp động mạch phổi,… Hiện nay, đã có phương pháp mổ tim nội soi ít xâm lấn giúp giảm đau đớn, giảm chảy máu, hồi phục nhanh, ít để lại sẹo. Đối với những ca bệnh nặng và không thể điều trị bằng phương pháp khác thì các Bác sĩ sẽ đề xuất phương án cấy ghép tim cho người bệnh.
Chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh như thế nào ?
Bởi những đặc thù về thể chất, trẻ bị tim bẩm sinh luôn cần được quan tâm và chăm sóc đặc biệt.
Việc tiêm vắc xin đầy đủ và khám sức khỏe định kỳ vô cùng quan trọn, giúp trẻ phát hiện sớm các nguy cơ gây bệnh để chủ động phòng tránh.
Hầu hết trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh có thể sinh hoạt và tham gia các hoạt động vui chơi bình thường. Tuy nhiên, các môn hoạt động mạnh hoặc thi đấu đối kháng không phù hợp với trẻ bị bệnh. Những hoạt động thể chất ở mức độ vừa phải như bơi lội, đạp xe, đi bộ, chơi cầu lông,… sẽ giúp trẻ năng động và khỏe mạnh hơn.